Bánh đa cua – món ăn đặc trưng của Cát Bà
Nhắc đến đặc sản Cát Bà , người ta sẽ nghĩ ngay đến những loại hải sản tươi ngon hấp dẫn. Và từ hải sản, người dân nơi đây đã nghĩ ra một món ăn đặc biệt, chứa đựng hết những gì tinh túy nhất của biển, đó chính là bánh đa cua.
Nghe tên, ai cũng tưởng món ăn này chỉ đơn giản được làm từ cua. Nhưng không chỉ có thế, người dân đã khéo léo điểm thêm nhiều loại hải sản nữa, khiến bát bánh đa trở nên tròn vị.
Bánh đa nhúng thường là loại có một nắng, một sương. Nếu làm trong đêm, phơi lên đón sương rồi mới đem phơi nắng. Ngược lại, tráng bánh phơi ban ngày đón nắng thì cuối đêm họ mới thu vào. Như vậy, muốn có lá bánh đa khi đem trần lên, thả vào bát canh cua mềm miệng nhưng dẻo dai không bị bở bục hay trương nhũn ngoài chuyện gạo ngon, còn phải có bí quyết từ khâu chế nước xay gạo, điều chỉnh lửa lò khi tráng đến cách phơi bánh đượm nắng, ngấm sương tạo thành bánh đa tươi. Còn thứ bánh phơi khô cong vốn chỉ để đóng gói đem đi các miền xa, dù để được hàng tuần nhưng khi ăn đã vơi bớt đi nhiều phần hương vị đồng biển.
Bánh đã ngon lại còn cần một thứ đặc sản nữa của cánh đồng làng là những con cua béo ngậy. Muốn nồi canh cua thơm ngọt, người ta thường chọn cua cái, chắc nhỏ, lượng gạch vàng au dồi dào. Nhưng cũng lại có người thích chọn cua đực vì tuy bị suy giảm chút gạch béo song vị ngọt đậm của canh dường như lại tăng lên đôi phần.
Thành phần thứ ba góp phần làm nên hương vị độc đáo của món bánh đa cua đỏ Hải Phòng là những cọng rau muống giòn ngọt xanh mướt. Rau muống dùng cho canh bánh đa thường là rau muống thả bè cọng to mà giòn, dẽ chẻ lại ít vị sượng đắng. Trong dân gian xưa truyền tụng hai nơi trồng được đúng loại rau muống đặc sản ấy là khu ruộng chua mặn Cầu Tre và Đầm Nghè của bán đảo Đồ Sơn.
Để nấu nước dùng, người ta thường chọn cua cái, chắc nhỏ, gạch vàng au. Cua đồng ngâm, khuấy nước đến khi trong mới đem bóc bỏ mai và yếm. Rắc chút muối lên phần thân và chân cua này, xóc cho ra hết nước đen, tanh là đem vào giã. Nồi riêu được nấu trên bếp nhỏ lửa, mở vung, khuấy nhẹ tay để thịt cua không đóng bám đáy nồi, đến khi thịt cua nổi lên đông thành tảng thì ngừng tay.
Gia vị trong nồi riêu khá cầu kỳ như me chua, muối mặn, nước mắm Cát Hải, cà chua, tóp mỡ phi vàng ruộm. Khi bạn gọi món, người bán hàng chần bánh đa rồi đổ vào bát to cùng với rau muống chín tái, hành lá thái nhỏ, chả cá… cuối cùng chan nước dùng vàng sánh, riêu cua, thả ít hành khô lên trên cùng. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị bánh đa dai, thịt cua thơm, gạch cua béo ngậy, nước dùng có vị ngọt thanh và thoang thoảng mùi thơm nhẹ rất đặc trưng của cua đồng.
Bánh đa cua là món ăn đặc trưng và quen thuộc ở Cát Bà, nếu đã đến đây du lịch, bạn không nên bỏ qua món ngon này nhé.